Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Không khóc nơi xó bếp!

Em đã từng là một cô gái quê nghèo, mỗi khi uất ức tủi thân lại âm thầm đứng khóc một mình nơi xó bếp. 17 tuổi em lấy chồng, 18 tuổi em đã trở thành một bà mẹ trẻ. Đồng thời với việc làm vợ, làm mẹ khi tuổi đời còn quá trẻ, em còn làm ô-sin cho gia đình chồng. Hàng núi công việc mỗi ngày vắt kiệt sức lực của em, vậy nhưng em vẫn không được chồng và gia đình chồng tôn trọng, ngược lại trong mắt mọi người em chỉ là đồ ăn bám, là gánh nặng cho chồng vì em không biết kiếm ra tiền.

Chồng có bồ về nhà kiếm chuyện, ruồng rẫy em, đã thế gia đình chồng lại vào hùa bênh vực con trai, đổ lỗi tại em không biết giữ chồng. Rồi chuyện gì đến rồi cũng phải đến, 20 tuổi đời em đã qua “tập 1”. Ly hôn, chồng giành lấy quyền nuôi con với lý do em không nghề nghiệp, không thu nhập nuôi thân còn chưa nổi lấy gì nuôi con? Đau đớn, uất ức nhưng em đành nuốt hận vào lòng, vì suy cho cùng cái câu họ nói cũng có phần đúng.

Quyết không cam chịu, em bỏ làng ra phố mưu sinh. Hai năm đầu em đi làm ô-sin, ăn ở nhờ nhà chủ. Tiền công hàng tháng em trích một phần gửi về nuôi con. Dù chồng cũ nói thẳng không cần em phải đóng góp nuôi con nhưng em vẫn đều đặn gửi, giữ lại chứng từ đàng hoàng để có chứng cứ trình bày trước pháp luật sau này khi em đủ điều kiện giành lại quyền được nuôi con.

Hai năm đầu ra Hà Nội làm ô sin em kiếm được 70 triệu và dành toàn bộ tiền đó để học nghề cắt tóc gội đầu. Salon thẩm mỹ có cả dịch vụ spa, trang điểm nên khi thành thạo cắt, gội, sấy, em xin chị chủ cho học thêm trang điểm và làm massage. Nhờ khéo léo, chịu khó, lại biết nhẫn nhịn nên em học nghề nhanh, lại được mọi người quý mến. Có vài anh trai tân cưa cẩm em, còn nhất định không chịu tin khi em nói đã từng có chồng…

4 năm sau ngày ly hôn, em chủ động hẹn gặp chồng cũ tại một quán cà phê sang trọng để thẳng thắn, đàng hoàng nói chuyện sẽ giành lại quyền nuôi con. Anh ấy có vẻ bất ngờ, bối rối khi thấy em trẻ đẹp, tự tin và hiểu biết, khác hẳn cô vợ lầm lũi nơi xó bếp năm nào. Khi chia tay, chồng cũ nói sẽ không ngăn cấm tình mẫu tử của em, chỉ mong sao con và em hạnh phúc. Tối hôm đó, chồng cũ nhắn tin cho em rất dài, trước anh ấy chúc mừng em đã “lột xác” hoàn toàn, có nghề nghiệp, có thu nhập ổn định. Sau anh ấy nói lời xin lỗi vì trước kia anh và gia đình đã cư xử không phải với em. Rồi anh ấy xin em hãy vì con mà cho anh ấy một cơ hội… Đọc những dòng tin nhắn đó, không hiểu sao nước mắt em bỗng lại rơi dẫu biết rằng sóng gió đã qua rồi…

Theo Bảo Khánh
Pháp luật TPHCM

Tag :mâu thuẫn gia đình, phụ nữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét