Vị thẩm phán thụ lý vụ án bảo, những người công tác trong ngành lâu năm đều dễ dàng nhận thấy, đằng sau lý do tưởng chừng rất đơn giản của nguyên đơn, chắc chắn có nhiều uẩn khúc chưa được bày tỏ. Bởi không lý gì, một cặp vợ chồng đã nắm tay nhau đi gần hết cuộc đời, lại muốn rẽ sang lối khác chỉ vì “không hợp tính”?
Khủng hoảng thời hưu trí
Người đàn ông tìm đến tòa án vào một sáng mưa tí tách. Mùa hè, nhưng trời mưa gió như đã sang đông. Ông Mai Văn Hùng năm nay đã 64 tuổi (ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) tóc trên đầu đã bạc trắng mấy phần. Hai gò má ông hóp lại vì răng đã rụng mất mấy chiếc. Ông lê bước nặng nề trên mấy bậc thềm tòa án. Hôm nay ông đến tòa để giải quyết chuyện ly hôn.
Ở cái tuổi gần đất xa trời mà còn đưa nhau đến chốn pháp đình, kể cũng ngại. Ông cũng có vẻ ngại ngùng, bởi những bước chân có vẻ rụt rè, thiếu dứt khoát. Nhưng rồi ông bảo không ly hôn không được. Ông quả quyết. Trong tờ đơn ly hôn, lý do ông đưa ra chỉ gọn lỏn mấy chữ: “Tính tình không hợp”.
Vị thẩm phán thụ lý vụ án bảo, những người công tác trong ngành lâu năm đều dễ dàng nhận thấy, đằng sau lý do tưởng chừng rất đơn giản của nguyên đơn, chắc chắn có nhiều uẩn khúc chưa được bày tỏ. Bởi không lý gì, một cặp vợ chồng đã nắm tay nhau đi gần hết cuộc đời, lại muốn rẽ sang lối khác chỉ vì “không hợp tính”?
Trách nhiệm và cả cái tâm của một người làm công tác xét xử đã buộc ông phải lần tìm, khám phá những uẩn khuất bên trong đương sự để đưa ra những quyết định đúng đắn. Đúng như dự đoán của vị thẩm phán, đó là cả một câu chuyện dài.
Lần đầu tiên đến chốn công đường, tiếp xúc “người của tòa” khiến ông Hùng có chút căng thẳng. Nét mặt đau đớn, ánh mắt chất chứa đầy nỗi u buồn của đương sự khiến vị thẩm phán phải cau mày thở dài. Người đàn ông khẽ khàng kể chuyện nhà. Giọng ông trầm trầm, nghe thấy cả vẻ bất mãn lẫn xót xa.
Ông vốn là công chức nhà nước. Mấy năm trước vừa mới nghỉ hưu. Một người đàn ông có chỗ đứng trong xã hội, một ngày trôi qua vốn ngập trong công việc. Lúc nào cũng có việc này việc kia cần ông giải quyết, bận rộn nhiều khi không thở nổi. Vậy mà lúc ông về hưu, một ngày nhàn hạ cứ thế trôi qua. Ông thấy không quen. Có người bị khủng hoảng tinh thần lúc về hưu, bởi không thể hòa nhập với cuộc sống mới. Ông thì chưa đến nỗi, nhưng cũng bị “sang chấn” nhẹ. Tâm tính ông cũng thay đổi ít nhiều.
Vợ chồng ông ngày trước sống rất êm ấm, không có mâu thuẫn gì lớn. Vợ ông chăm sóc chồng con rất chu đáo, chẳng chê vào đâu được. Ngày còn đương chức, người vẫn chờ ông bên mâm cơm mỗi ngày chính là vợ ông. Người mỗi đêm vẫn chong đèn thức đợi ông về sau những buổi tiếp khách mệt mỏi cũng chỉ có vợ. Vậy mà khi ông về hưu, những bận rộn ngày hôm qua không còn, khiến ông thấy “sốc”. Nhưng thứ khiến ông “sốc” nhất lại chính là vợ ông.
Khi cuộc sống không chỉ cần nhà cửa, tiền bạc…
Chẳng biết từ khi nào, trong nhà chẳng còn bà ngồi bên mâm cơm nóng hổi đợi ông đi đâu đó về. Buổi tối, ông có ra ngoài chưa về, bà cũng cứ thế mà tắt đèn đi ngủ. Buổi sáng bà đi chợ, nấu luôn ba bữa trong một lần rồi để đó. Ông muốn ăn thì ăn, muốn nhịn thì nhịn, bà chẳng “ngó ngàng” gì. “Tôi mới nghỉ hưu. Tinh thần có chút không ổn định. Muốn bà ấy ở bên cạnh để bầu bạn tâm tình thì bà ấy lại “bỏ bê” tôi”, ông trần tình.
Việc bà “bỏ bê” chồng, ông Hùng đã mấy lần nhắc nhở vợ. Nhưng bà lão lại cứ “làm lơ”. Ông đi làm, bà cũng phải bon chen ngoài xã hội để kiếm miếng cơm. Ông nghỉ hưu, thì bà cũng từng nghỉ hưu trước đó. Ai cũng như nhau có khác chi?
Trước bà làm kế toán của một doanh nghiệp. Hồi bà nghỉ hưu, bà cũng có khối việc trong nhà phải lo lắng. Giờ con cái đã lấy chồng lấy vợ, ông cũng được “lui về sau” nghỉ ngơi, bà mới có nhiều thời gian dành riêng cho mình. Bà dành nhiều thời gian đi chùa lễ phật, nghe kinh kệ. Bà cùng đám bạn già lui tới chùa làm công quả. Rồi bà còn tham gia nhóm thiện nguyện, cùng nhau gom góp tiền bạc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Bây giờ, bà còn bận rộn hơn cả những ngày đương chức. Bà cảm thấy vui, thấy hạnh phúc vì được làm những thứ mình thích, mà ngày trước không có điều kiện.
Ông lại không nghĩ thế. Căn nhà của ông chẳng biết từ khi nào lại quá rộng rãi. Suốt ngày đi tới đi lui trong nhà, ông thấy nhà sao mà rộng quá. Nó cũng lạnh nữa. Ngày trước ông bà cố gắng làm lụng, rồi chắt bóp từng đồng để xây nhà cao cửa rộng. Giờ chỉ có ông lọt thỏm trong nhà. Ông ho một tiếng, cũng phải mất một lúc lâu mới nghe được tiếng vọng lại. Hóa ra có khi nhà cao cửa rộng cũng không phải là tốt nhất.
Một mình quanh quẩn trong nhà, đọc sách cũng chán, lại còn đau mắt. Ông già rồi, mắt đã mờ. Xem vô tuyến mãi cũng nhức đầu. Mà bà vợ ông lại đi ra ngoài suốt ngày chẳng thấy tăm hơi. Ông chẳng có ai để chuyện trò. Buồn quá, chiều chiều ông bắt đầu ra ngoài đánh cầu lông với mấy bạn già. Cuối buổi, thỉnh thoảng ông tạt vào quán bia ven đường uống vài ly. Lúc thì lai rai với mấy ông bạn. Cũng có lúc chỉ một mình, vừa nhâm nhi ly bia, vừa ngẫm nghĩ chuyện đời. Lâu dần, ông cũng thành khách quen của quán.
Lâu rồi chẳng thấy ông “ca cẩm” chuyện nhà. Ông cũng chẳng “xoắn” lấy bà để nói chuyện như trước. Bà đi đâu với bạn bè, ông cũng không ý kiến này kia. Mà nhiều lúc, ông về nhà còn muộn hơn cả bà. Đi tập thể dục gì, mà chiều nào mặt cũng phơn phớt đỏ, hơi thở lại phảng phất mùi men? Bà thấy tính tính ông thay đổi hẳn. Ông hoạt bát hơn, nói cười vui vẻ, chứ chẳng phải ông lão hay nhăn nhăn nhó nhó như ngày mới về hưu. Bà thấy chột dạ.
Tình huống oái oăm
Một lần, đi tập thể dục về, ông lại ghé vào quán quen lai rai như thường lệ. Hôm đó, không dưng “phát sinh” thêm mấy người bạn, nên ông thiếu tiền. Đang bối rối không biết làm sao, thì cô nhân viên tốt bụng nhanh nhảu: “Bác là khách quen. Cháu cho bác mượn tiền. Lúc nào ghé quán, bác trả cũng được”. Ông lão lấy làm cảm kích.
Hôm sau, lúc thể dục về, ông lại ghé quán trả tiền cho cô nhân viên nọ. Ông gọi chai bia, rồi mời cô nhân viên cùng ngồi để nói vài câu cảm ơn, trước khi trả lại tiền cho cô. Ai ngờ, khi ông vừa móc tiền ra trả cho cô, thì mấy đứa con xuất hiện, “bắt quả tang” bố. Mấy đứa con dùng những lời lẽ thiếu văn hóa để xúc phạm cô nhân viên, khiến cô và cả ông đều thấy xấu hổ và cả bàng hoàng.
Thì ra, vợ ông lâu nay đã nghi ngờ, ghen tuông, nên ngấm ngầm “chỉ đạo” mấy đứa con theo dõi, rình rập bố. Ông giận con một, thì giận “kẻ chủ mưu” mười. Hành động của bà không những thể hiện thiếu lòng tin ở ông, mà còn xúc phạm, khiến ông và cô nhân viên quán bia tốt bụng bị tổn thương nặng nề. Ông bảo: “Tôi không thể chấp nhận cách hành xử của bà ấy. Tôi nhất quyết ly hôn”.
Mấy lần tòa hòa giải, ông Hùng vẫn không chấp nhận mong muốn được tha thứ của vợ. Tuy vậy, với kinh nghiệm của một người chuyên xử các vụ án hôn nhân gia đình, vị thẩm phán chắc chắn một điều, nguyên đơn chỉ vì nhất thời thấy lòng tự trọng bị vợ xúc phạm, “giẫm đạp”, nên mới “cực chẳng đã” quyết định đâm đơn ra tòa. Chỉ một thời gian sau, khi lửa giận đã tắt, nỗi ấm ức trong lòng cũng nguôi ngoai, ông sẽ mở lòng, tha thứ cho sai lầm của vợ và các con.
Tòa quyết định “cho” nguyên đơn thời gian, cũng là cho gia đình ông Hùng một cơ hội để đoàn tụ. HĐXX quyết định không chấp nhận yêu cầu ly hôn của nguyên đơn. Đúng như mong đợi của vợ con ông Hùng, nguyên đơn không kháng cáo lên cấp phúc thẩm mà lặng lẽ chấp thuận theo quyết định của bản án, trở về đoàn tụ với gia đình.
Vị thẩm phán thụ lý vụ án chia sẻ, nhiều năm theo nghề, giải quyết hàng trăm vụ án các loại, trong đó rất nhiều vụ án hôn nhân gia đình. Mỗi vụ án khép lại, cũng là xếp lại một câu chuyện buồn. Hiếm hoi lắm mới có vụ án kết thúc như vụ án này. Người xét xử cũng thấy trong lòng nhẹ nhõm. Mà đương sự cũng một phen hú vía, vì suýt chút nữa đã tự tay vứt đi hạnh phúc gia đình, chỉ vì những mâu thuẫn vụn vặt.
Theo Hà Lê
Pháp luật Việt Nam